Silicone Có Thực Sự Gây Mụn?

Silicone

Silicone là một trong những thành phần “tai tiếng” với lời đồn thổi rằng sẽ gây bí da, khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn hoặc gây kích ứng, ung thư da. Nhưng liệu silicone có thực sự xấu đến thế? Hôm nay Kiều Lam sẽ giải đáp thắc mắc này cho bạn nhé. 

Silicone

1.Silicone là gì?

1

Silicone là một sản phẩm chuyển hóa từ silica ( tên hóa học là silicon dioxide-SiO2, vốn là thành phần chính của cát trong tự nhiên), được sử dụng lần đầu tiên trong các sản phẩm làm đẹp vào những năm 1950 cho đến ngày nay.

2. Các loại Silicone thường gặp

2

2.1. Slicone không bay hơi: 

  • Silicone không bay hơi sẽ bao gồm dimethicone, styrene/acrylic copolymer hay vinyl dimethicone crosspolymer. Silicone không bay hơi có cấu trúc phân tử lớn và xốp nên sẽ khó thẩm thấu vào da, để lại trên da một lớp màng và lưu giữ độ ẩm sâu trong da. Vì đặc tính này nên các sản phẩm có chứa silicone không bay hơi thường tạo cảm giác mượt mà, ẩm mượt trên da. Silicone không bay hơi thường xuất hiện trong các sản phẩm kem dưỡng, kem nền để giúp tăng tính ổn định cũng như giúp sản phẩm mềm mượt hơn trên da.

2.2. Silicone bay hơi: 

  • Silicone bay hơi sẽ bao gồm cyclohexasiloxane hay cyclopentasiloxane. Đặc điểm của silicone bay hơi chính là sẽ dễ dàng bay hơi sau khi thoa lên da, để lại cảm giác ráo mịn, dễ chịu trên da. 

3. Silicone có tác dụng gì trong mỹ phẩm?

3

3.1. Duy trì độ ổn định cho sản phẩm:

  • Silicone trọng lượng phân tử cao như dimethicone hoặc cyclomethicone và dimethiconols tạo một lớp kháng nước trên bề mặt da, giúp kéo dài thời gian tác dụng của sản phẩm chăm sóc da, trang điểm. Đặc tính này có thể được cải thiện nhờ gắn nhóm alkyl dimethicone như cetyl dimethicone và C30-45 alkyl methicone. Việc sử dụng silicone có tác dụng cải thiện độ ổn định của các thành phần mỹ phẩm. Việc bổ sung 2.5% (khối lượng/thể tích) cetyl dimethicone vào nhũ tương dầu trong nước (sản phẩm kem chống nắng) cho hiệu quả chống rửa trôi với nước tốt. Công thức này có chỉ số SPF là 21.1 trước khi ngâm nước và sau khi ngâm 19.2 (ngâm trong 80 phút). Silicon bay hơi là thành phần chủ yếu trong các sản phẩm trang điểm (thời gian kéo dài), kể cả son môi. Chúng có tác dụng phân bố sắc tố đều màu trong sáp, tạo cảm giác dễ chịu khi sử dụng. Silicone acrylate copolymers là một tác nhân kháng nước không gây rít nhờn, thường được ứng dụng trong các sản phẩm kem chống nắng và son môi.

3.2. Tăng tính thấm, kiểm soát độ ẩm, ngăn mất nước:

  • Silicone giúp cho các sản phẩm kem dưỡng, kem chống nắng dễ dàng thẩm thấu vào da hơn, tạo cảm giác thoải mái dễ chịu trên da. Ngoài ra, silicone còn có tác dụng kiểm soát độ ẩm, ngăn chặn sự mất nước trên da, giúp lưu giữ độ ẩm trong da, đem đến làn da ẩm mượt, căng mọng. 
  • Bên cạnh đó, các sản phẩm trang điểm có chứa silicone còn có tác dụng làm mờ lỗ chân lông cũng như các khuyết điểm như sẹo, da sần sùi, giúp các lớp kem nền, phấn phủ dễ “ăn” vào da hơn, hiệu ứng sau khi trang điểm trở nên mượt mà, tự nhiên hơn. 

3.3. Cải thiện hiệu quả mỹ phẩm:

  • Silicone có khả năng cải thiện độ hiệu quả của thành phần công thức. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng methicones giúp gia tăng chỉ số chống nắng SPF của sản phẩm chống nắng với thành phần hoạt tính có nguồn gốc vô cơ hoặc hữu cơ. Việc bổ sung stearyl dimethicone 2% vào nhũ tương dầu trong nước chứa 11% thành phần hoạt chất hữu cơ tạo ra hỗn hợp có chỉ số SPF 49.7, tỷ lệ SPF/UVB là 4.5. Đối với thành phần hoạt chất vô cơ, sự gia tăng chỉ số chống nắng lên đến mức 100% khi hỗn hợp được bổ sung cetyl dimethicone 2% (tỷ lệ khối lượng), gia tăng 75% chỉ số SPF khi bổ sung C30-45 alkyl methicone. Trong các sản phẩm chống lão hóa, việc bổ sung bột silicone elastomer ở mức 4%, tạo ra các sản phẩm mặt nạ có tính chất mềm mại tựa như da của chúng ta. 

3.4. Hoạt tính bảo vệ:

  • Dimethicone được chấp thuận bởi FDA có tính an toàn cho người sử dụng. Nhờ tính kỵ nước, silicon được dùng để thoa lên da với tác dụng bảo vệ da tay cho các đối tượng phải làm việc trong môi trường nước ô nhiễm. Nhiều nghiên cứu chứng minh cyclomethicone và dimethicone làm giảm nguy cơ kích ứng của kem chống nắng.

3.5. Làm sạch da:

  • Silicone bay hơi có đặc tính dễ lan, không rít nhờn và là dung môi hòa tan tốt nên được ứng dụng phổ biến trong các loại sản phẩm tẩy rửa, giúp loại bỏ bụi bẩn mà không gây ra cảm giác căng rát khó chịu. Chúng có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp với dầu khoáng. Silicone nhũ tương hóa cho phép dung dịch silicone có độ nhớt thấp tồn tại ở dạng dung dịch đồng nhất với hỗn hợp nước và glycerin, tạo nên thể chất bọt của các sản phẩm tẩy rửa.

4. Silicone có thực sự gây nên mụn?

4

Câu trả lời là hoàn toàn không nhé, tuy có phân tử lớn cũng như khó thẩm thấu vào da nhưng silicone hoàn toàn không phải nguyên nhân chính gây nên mụn, nếu như bạn sử dụng các sản phẩm có chứa silicone mà bị lên mụn thì rất có thể là do bạn đã bôi một lớp quá dày hoặc bạn không tẩy trang kĩ. Vì vậy, tuy không phải là nguyên nhân trực gây nên mụn nhưng silicone, đặc biệt là silicone không bay hơi có thể là nguyên nhân gián tiếp gây nên mụn nếu bạn dưỡng da chưa đúng cách. 
Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa khiến da bị mụn khi sử dụng silicone chính là bạn chưa tẩy tế bào chết đều đặn dẫn đến các lớp tế bào chết tích tụ trên da vô tình bị silicone “khoá” lại, gây nên mụn. 

5. Silicone gây ung thư da?

Silicone Là Gì

Hiện tại, silicone được FDA, EU và WHO cho phép sử dụng trong mỹ phẩm. Đến thời điểm này chưa có báo cáo khoa học nào kết luận silicone có khả năng gây độc, gây ung thư hay ảnh hưởng lên thai nhi trong thai kỳ với nồng độ sử dụng trong giới hạn cho phép qua tiếp xúc trên da và qua đường tiêu hóa. WHO thậm chí còn cho phép sử dụng dimethicone (một loại silicone) qua đường tiêu hóa với mức giới hạn là 0-1,5 mg/kg trọng lượng cơ thể. Một thông tin nữa, theo báo cáo năm 2003 của CIR (Cosmetic Ingredients Review, US) silicone được xếp vào nhóm chất ít có khả năng gây kích ứng. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến silicone được sử dụng làm vật liệu thay thế nhân tạo trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Các nghiên cứu chỉ ra silicone độc hại khi bị hít phải, gây u nang, ung thư chỉ là dành cho silicone sử dụng trong công nghiệp, chưa điều chế và phải ở lượng cực lớn. Silicone các bạn dùng trong mỹ phẩm là cosmetic-grade được điều chế sạch sẽ và an toàn và đặc biệt ở lượng quá nhỏ để làm bạn bị ung thư. Thậm chí, silicone còn được dùng trong các bệnh viện cho các bệnh nhân có vết thương chưa lành vì độ lành tính và tính bảo vệ bao phủ của silicone. 

6. Các lưu ý khi sử dụng mỹ phẩm có chứa Silicone

  • Tẩy trang thật kĩ vì silicone khó tan trong nước, nếu không được làm sạch kĩ sẽ dẫn đến tình trạng mụn, đặc biệt là mụn ẩn.
  • Nên test thử các sản phẩm có chứa silicone lên một vùng nhỏ trên da trước để xem xem có bị kích ứng hay không.
  • Chỉ nên thoa một lớp mỏng các sản phẩm dưỡng có chứa silicone để tránh da bị bí. 

Silicone không hề xấu như những gì chúng ta vẫn thường nghe, thậm chí silicone còn đem đến nhiều ứng dụng tốt cho da. Vì thế, hãy đừng sợ khi nghe đến silicone trong mỹ phẩm nữa nhé.